Để Việt Nam trở thành điểm sáng chuyển đổi số trong khu vực

HHDL - Trong kỷ nguyên số, dữ liệu không chỉ là công cụ hỗ trợ điều hành mà đã trở thành nguồn “tài nguyên chiến lược” để các quốc gia hoạch định phát triển, thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Từng bước khẳng định vị thế

Ở Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã sớm nhận diện tầm quan trọng của dữ liệu, đầu tư bài bản để xây dựng hạ tầng dữ liệu và các hệ sinh thái xoay quanh dữ liệu. Những quốc gia như Singapore, Indonesia hay Thái Lan đang trở thành những trung tâm dữ liệu và chuyển đổi số năng động của khu vực.

Singapore được biết đến như một hình mẫu về quản trị dữ liệu công, ứng dụng dữ liệu mở, xây dựng chính phủ số. Quốc đảo này sở hữu chiến lược dữ liệu quốc gia (National Data Strategy) từ rất sớm, với hệ thống quản trị mạnh mẽ và đồng bộ. Indonesia cũng đang đẩy mạnh hạ tầng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, đồng thời phát triển hành lang pháp lý dữ liệu. Thái Lan cũng không đứng ngoài cuộc đua khi liên tiếp đưa ra các chính sách thúc đẩy kinh tế số, tập trung xây dựng các trung tâm dữ liệu tầm cỡ và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi.

Trong bức tranh ấy, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế của mình với nhiều tín hiệu tích cực. Dữ liệu đã được xác định là “trung tâm của chuyển đổi số” trong các chiến lược quốc gia, từ phát triển chính phủ số, kinh tế số, đến xã hội số. Các nền tảng như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh điện tử, dữ liệu giáo dục, y tế, giao thông… đang dần được hình thành và kết nối.

Không chỉ “đuổi kịp” các nước trong khu vực, mục tiêu của Việt Nam là vươn lên, trở thành "điểm sáng" về khai thác và ứng dụng dữ liệu. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ hoạch định chính sách đến hành động cụ thể từ doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

"Hiến kế" cho phát triển dữ liệu số quốc gia

Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia đã và đang đóng vai trò cầu nối quan trọng, kết nối các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và người dân trong việc phổ biến tư duy dữ liệu và thúc đẩy hành động thực tế.

Tại sự kiện Tọa đàm “Xử lý và phân tích dữ liệu – Động lực cho chuyển đổi số quốc gia” do Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia tổ chức ngày 28/5/2025, các diễn giả đã "hiến kế" nhằm đưa ra giải pháp thực tiễn giúp Việt Nam khai thác tối đa “mỏ vàng dữ liệu” phục vụ phát triển đất nước.

Giám đốc dữ liệu và Phụ trách khoa học dữ liệu người dùng tại Pinterest (Hoa Kỳ) - chuyên gia Hạnh Phạm đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá về xử lý, khai thác dữ liệu của các tập đoàn công nghệ lớn trong suốt quãng thời gian 15 năm làm việc trong lĩnh vực dữ liệu tại Hoa Kỳ.

Lấy ví dụ từ Airbnb - nền tảng kết nối cộng đồng thuê và cho thuê chỗ ở toàn cầu có trụ sở tại Silicon Valley, hiện mỗi ngày tiếp nhận hơn 1 tỷ sự kiện dữ liệu. Với khối lượng dữ liệu khổng lồ, công ty đã triển khai quy trình khoa học dữ liệu theo 3 bước gồm: khai thác dữ liệu, xây dựng mô hình và chia sẻ kết quả phân tích. Việc tận dụng dữ liệu để phát triển các công cụ tối ưu hóa, điều chỉnh xếp hạng theo nhu cầu thực tế đã giúp tăng 4% tỷ lệ khách hàng yêu cầu và hoàn tất đặt phòng.

Đặc biệt, chuyên gia Hạnh Phạm nhấn mạnh 3 nguyên tắc căn cốt khi làm việc với dữ liệu. Đó là: "Đối tác về tư duy" - nhà khoa học dữ liệu cần trở thành "đối tác", chủ động hiểu và giải quyết bài toán của doanh nghiệp. "Chất lượng dữ liệu" - yếu tố quan trọng nhất, bởi theo chuyên gia, cho dù các công cụ có tốt nhưng nếu chất lượng dữ liệu đầu vào không tốt thì cũng sẽ cho ra kết quả tệ. Cuối cùng, đội ngũ nhân sự - những "Kỹ sư dữ liệu" được chuyên gia nhắc đến là yếu tố quyết định đến cách điều hướng dữ liệu lưu chuyển đúng cách, kiểm soát quyền truy cập để sử dụng dữ liệu an toàn và hiệu quả.

Cũng tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng để hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành “điểm sáng” về khai thác và ứng dụng dữ liệu, cần có 2 yếu tố then chốt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư hạ tầng đồng bộ.

Hệ thống hạ tầng dữ liệu quốc gia, bao gồm các trung tâm dữ liệu đạt chuẩn, mạng truyền tải tốc độ cao, nền tảng điện toán đám mây cũng cần được đầu tư mạnh mẽ. Việc đảm bảo an toàn, bảo mật và khả năng kết nối giữa các hệ thống dữ liệu hiện nay vẫn là thách thức lớn, đặc biệt khi các bộ, ngành còn hoạt động rời rạc, thiếu chuẩn hóa trong chia sẻ dữ liệu.

Tọa đàm cũng ghi nhận nhiều đề xuất về việc xây dựng “văn hóa dữ liệu” trong các tổ chức – nơi dữ liệu không chỉ được lưu trữ mà phải được sử dụng để ra quyết định. Khi dữ liệu trở thành tài sản, được vận hành bởi con người và công nghệ đúng cách, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội vươn lên trong cuộc đua số, tạo dựng lợi thế cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

AI