Định danh phi tập trung – Xu hướng toàn cầu trong kỷ nguyên số

16/06/2025

Hệ thống định danh và xác thực dữ liệu phi tập trung quốc gia (NDA DID) là sáng kiến chiến lược do Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia phát triển, nhằm kiến tạo một hạ tầng định danh an toàn, tin cậy và bảo đảm chủ quyền số. Đây là bước đi tiên phong, thể hiện vai trò kết nối nguồn lực, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái dữ liệu toàn diện, bền vững và có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Trong bối cảnh số hóa toàn diện, định danh điện tử (Digital Identity) trở thành hạ tầng thiết yếu cho các hoạt động tài chính, hành chính, giáo dục, y tế và nhiều lĩnh vực khác. Định danh điện tử là quá trình xác thực danh tính cá nhân hoặc tổ chức trên môi trường số, bảo đảm an toàn, tin cậy và bảo mật cho các giao dịch số.

Mô hình định danh tập trung – phổ biến trong giai đoạn đầu của chuyển đổi số – đang bộc lộ những giới hạn về bảo mật, khả năng mở rộng và kiểm soát dữ liệu cá nhân. Trước thực tiễn đó, nhiều quốc gia đã chuyển hướng sang mô hình định danh phi tập trung (Decentralized Identity – DID), cho phép người dùng tự sở hữu, kiểm soát định danh và thông tin cá nhân, nhờ vào công nghệ blockchain. Mô hình này mở ra một môi trường số an toàn, linh hoạt và bền vững hơn.

DID vận hành theo nguyên tắc “lấy người dùng làm trung tâm” – cho phép cá nhân quyết định chia sẻ thông tin nào, với ai, vào thời điểm nào. Dữ liệu cá nhân được lưu trữ trong ví cá nhân bảo mật, trong khi định danh DID và khóa công khai được ghi trên hệ thống blockchain.

Tính đến nay, gần 60% trong số 117 quốc gia đang triển khai các sáng kiến định danh phi tập trung. Tại châu Âu, EU đã thông qua Quy định eIDAS 2.0 (tháng 4/2024), đặt nền móng cho Hệ sinh thái Danh tính Châu Âu (EUID) và yêu cầu các quốc gia thành viên triển khai ví ID quốc gia vào năm 2026. EU cũng đồng thời tài trợ nhiều dự án thí điểm quy mô lớn về DID trên toàn khối.

Tại châu Á, Trung Quốc đã ra mắt hệ thống RealDID vào tháng 12/2023 – nền tảng định danh phi tập trung cấp quốc gia đầu tiên, hỗ trợ xác minh danh tính hơn 1,4 tỷ công dân. Hệ thống được mở rộng triển khai tại Hong Kong từ tháng 8/2024. Các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines cũng đang tích cực xây dựng khung pháp lý và hệ thống ví ID tương thích. Australia đã ban hành luật mới về định danh số, trong khi Canada và Mỹ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái DID dựa trên các tiêu chuẩn mở và quy định liên bang – bang.

Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA), nhiều quốc gia đã lồng ghép triển khai ví định danh số trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Tại Việt Nam, NDA DID là một trong những dự án tiêu biểu của Hiệp hội Dữ liệu quốc gia nhằm xây dựng hạ tầng định danh bảo mật và chủ quyền, được triển khai trên nền tảng chuỗi khối quốc gia NDA Chain. NDA DID cho phép các tổ chức phát hành – như trường học, ngân hàng, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước – tạo lập định danh DID và cấp các giấy tờ xác thực (Verifiable Credentials – VC) cho người dùng. VC có thể là bằng cấp, giấy phép, hồ sơ y tế, hợp đồng… Người dùng lưu giữ VC trong ví cá nhân và chia sẻ bằng chứng xác thực (Proof) khi cần, bảo đảm tính minh bạch và xác minh độc lập.

Sự ra đời của NDA DID đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện hạ tầng số quốc gia, góp phần bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu, phòng chống gian lận và tăng cường niềm tin số.

NDA DID không chỉ là giải pháp công nghệ, mà là nền tảng hạ tầng thiết yếu, góp phần định hình tương lai của các giao dịch số an toàn, minh bạch và bền vững – phục vụ hiệu quả cho mọi lĩnh vực trong tiến trình xây dựng quốc gia số, với ba trụ cột: Chính phủ sốKinh tế sốXã hội số, dựa trên nền tảng hạ tầng số, dữ liệu số và công dân số.