Dữ liệu đồng hành với quyết sách lịch sử của quốc gia

29/06/2025

Ngày 1/7/2025 –  Việt Nam chính thức bước vào một trang mới – Trang của tinh thần cải cách mạnh mẽ, của khát vọng đổi mới bộ máy để kiến tạo tương lai, khi cả nước còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức được triển khai đồng bộ trên toàn quốc.

Ngày 1/7/2025 được coi là thời khắc lịch sử, bởi đây là lần đầu tiên kể từ sau ngày đất nước thống nhất, một cuộc sắp xếp quy mô lớn nhất từ trước đến nay về tổ chức hành chính cấp tỉnh được thực hiện. Sự sắp xếp này không đơn thuần là việc gộp các đơn vị nhỏ thành lớn hơn, mà là sự tái cấu trúc toàn diện, mang tầm tư duy chiến lược quốc gia. Đó là quyết tâm dám thay đổi những điều đã quen thuộc, đã gắn bó, để hướng tới một tổ chức hành chính tinh gọn, hiệu quả, hiện đại với sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống", hướng tới mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn, đồng thời mở ra không gian phát triển mới cho đất nước trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và đổi mới sáng tạo – Kỷ nguyên của dữ liệu và liên kết dữ liệu sẽ định vị lại mọi hoạt động của Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội.

Dữ liệu đồng hành với quyết sách lịch sử của quốc gia

Không gian phát triển mới của đất nước được thiết lập trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn biến chuyển chưa từng thấy. Những cuộc cách mạng công nghệ về trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, năng lượng tái tạo và y sinh học đang đồng thời định hình lại trật tự toàn cầu. Trong bối cảnh này, dữ liệu được định vị là tài nguyên “dầu mỏ mới” của quốc gia, cần khai thác, phát huy để trở thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số.

Nếu Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được đánh giá là "Khoán 10" của khoa học công nghệ, tạo đột phá cho phát triển đất nước; thì dữ liệu và liên kết dữ liệu được coi là công cụ và nền tảng cốt lõi để hiện thực hóa nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi hoạt động của Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội.

Khẳng định vai trò của dữ liệu trong kỷ nguyên số, GS. TS Vũ Hà Văn - Giáo sư toán học Đại học Yale, Hoa Kỳ và là chuyên gia về Dữ liệu lớn (Big Data) cho rằng: "Công cuộc chuyển đổi số là một cuộc cách mạng công nghệ, trong đó dữ liệu đóng vai trò tài nguyên. Nếu chúng ta khai thác đúng cách, chúng ta có cơ hội rất lớn để bắt kịp các nước tiên tiến".

Nắm bắt được tầm quan trọng của dữ liệu, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai kế hoạch xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung vào 3 mặt trận chính:

Về pháp lý: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Dữ liệu, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Về hạ tầng: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành Trung tâm Dữ liệu quốc gia vào ngày 19/8/2025, nhân dịp Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về dịch vụ: Sàn dữ liệu được xây dựng, phát triển, sớm đưa vào hoạt động cùng nhiều sản phẩm, dịch vụ liên quan sẽ được nghiên cứu, triển khai.

Nhìn lại hành trình chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng nêu trên, quá trình xây dựng hệ thống dữ liệu cũng gặp không ít rào cản, trong đó rào cản lớn nhất chính là vấn đề về tính đồng nhất của dữ liệu khi thu thập và cách quản lý, khai thác tài nguyên dữ liệu sao cho hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân. Nhưng vượt lên trên những rào cản đó, dữ liệu đã khẳng định vai trò là nền tảng và động lực để đạt được các mục tiêu phát triển. Và trong chính công cuộc sắp xếp quy mô lớn nhất từ trước đến nay về tổ chức hành chính, thì dữ liệu đã cho thấy vai trò đồng hành then chốt của mình trong việc giúp các nhà lãnh đạo hoạch định, phân tích, đánh giá đúng về tình hình hiện tại, dự báo xu hướng tương lai, từ đó đưa ra các quyết định chính xác và đột phá.