Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia: Đồng hành thể chế - chủ động công nghệ chiến lược

16/06/2025

Trong bối cảnh dữ liệu đã trở thành “tài nguyên mới” của nền kinh tế số, Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia được kỳ vọng sẽ là ngọn cờ đầu trong việc thúc đẩy hệ sinh thái dữ liệu, công nghệ tại Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia diễn ra ngày 22/3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giao 7 nhiệm vụ trọng tâm, nhấn mạnh vai trò then chốt của dữ liệu trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Trong phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư nhấn mạnh: quản trị dữ liệu không chỉ là vấn đề chính sách mà còn là vấn đề công nghệ. Theo đó, 7 nhiệm vụ trọng tâm được giao gồm: hoàn thiện hành lang pháp lý; phát triển, khai thác và làm giàu dữ liệu quốc gia; làm chủ công nghệ cốt lõi; xây dựng hạ tầng dữ liệu tiên tiến; tăng cường hợp tác quốc tế; xây dựng cơ chế giám sát; và phát triển các hệ thống bảo mật dữ liệu.

Đáng chú ý, nhiệm vụ thứ ba và thứ tư được đánh giá là trọng yếu, quyết định tốc độ và hiệu quả chuyển đổi số trong giai đoạn tới. Cụ thể, Tổng Bí thư yêu cầu Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia cần chủ động làm chủ và tiến tới tự chủ các công nghệ dữ liệu cốt lõi, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain) và điện toán đám mây. Đây không chỉ là các công nghệ chiến lược mà còn là nền tảng để xây dựng hệ sinh thái dữ liệu quốc gia hiện đại, bảo mật và có khả năng tương tác quốc tế.

Song song đó, nhiệm vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu tiên tiến cũng được đặc biệt nhấn mạnh. Tổng Bí thư khẳng định, cần huy động sự tham gia của cả khu vực công và tư trong đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu hiện đại, đảm bảo khả năng lưu trữ, xử lý và kết nối dữ liệu quy mô lớn. Đây sẽ là nền móng cho phát triển kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.

Không lâu sau sự kiện trên, nhiều chính sách và hành lang pháp lý của Đất nước liên tục được sửa đổi, hoàn thiện và ban hành, mở đường cho phát triển quốc gia số. Ngày 12/6/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1131/QĐ-TTg ban hành Danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược. Danh mục gồm 10 nhóm công nghệ chiến lược với 32 nhóm sản phẩm công nghệ chiến lược, đóng vai trò kim chỉ nam cho định hướng phát triển công nghệ trong thời gian tới.

Trong đó, nhóm công nghệ về trí tuệ nhân tạo (Mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt; Trợ lý ảo; Trí tuệ nhân tạo chuyên ngành; Trí tuệ nhân tạo phân tích) và nhóm công nghệ blockchain đã được Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia xác định rõ trong kế hoạch nhiệm vụ ưu tiên cao ở nhiệm kỳ hoạt động đầu tiên. Nhóm công nghệ blockchain được xem là mũi nhọn, với ba nhóm sản phẩm chiến lược: Tài sản số, tiền số, tiền mã hóa; Hạ tầng mạng blockchain; Hệ thống truy xuất nguồn gốc. Blockchain không chỉ là công nghệ của tương lai, mà còn là công nghệ của hiện tại, giúp nâng cao tính minh bạch, bảo mật và hiệu quả trong quản trị dữ liệu.

Đây là điều đáng chú ý, vì Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia đã không đứng ngoài cuộc, thậm chí còn thể hiện tư duy sáng tạo, đột phá trong việc “bắt kịp xu thế”. Ngay trước thời điểm Quyết định 1131/QĐ-TTg được ban hành, Hiệp hội đã đặt mục tiêu hiện thực hoá các nhiệm vụ trọng tâm của Tổng Bí thư Tô Lâm lên hàng đầu, đã sớm định hướng phát triển các nền tảng chiến lược, trong đó blockchain giữ vị trí then chốt.

Theo Thông báo số 22 ngày 06/6/2025, Hiệp hội đã công bố triển khai các sản phẩm, nền tảng công nghệ cốt lõi, trong đó: (1) Nền tảng chuỗi khối quốc gia (NDA Chain) (2) Hệ thống định danh phi tập trung quốc gia (NDA DID) - hai sản phẩm ứng dụng trực tiếp công nghệ blockchain; (3) Trợ lý ảo quốc gia (RABBI); (4) Nền tảng dữ liệu y tế quốc gia. Đây là các nền tảng và sản phẩm phục vụ mục tiêu xây dựng hệ sinh thái số toàn diện, đồng thời đảm bảo tính bảo mật, minh bạch và chủ quyền dữ liệu quốc gia. 

Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia đã và đang chủ động góp phần hiện thực hóa các định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số. Với các công nghệ chiến lược và vai trò đồng hành chính thức cùng VTV trong chương trình “AI thực chiến”, Hiệp hội sẽ có thêm những bước đi chắc chắn trong việc hiện thực hóa chiến lược công nghệ quốc gia.