Đó là chia sẻ của Thiếu tá Đào Đức Triệu - Tổng thư ký Hiệp hội Dữ liệu quốc gia tại Tọa đàm “Xử lý và phân tích dữ liệu – Động lực cho chuyển đổi số quốc gia” tổ chức ngày 28/5, tại Hà Nội.
Tọa đàm do Hiệp hội Dữ liệu quốc gia tổ chức với mong muốn kết nối các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu và khoa học công nghệ đã và đang nỗ lực xây dựng các hoạt động thiết thực nhằm lan tỏa tri thức, kết nối cộng đồng và thúc đẩy ứng dụng công nghệ dữ liệu hiện đại vào thực tiễn cuộc sống.
Tọa đàm có sự góp mặt của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia dữ liệu trong và ngoài nước, doanh nghiệp công nghệ, hội viên Hiệp hội và giới truyền thông. Về phía cơ quan quản lý nhà nước có bà Phan Thị Thùy Trâm, Phó Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thuộc Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Dữ liệu quốc gia; ông Hồ Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Minh Châu, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính.
Về phía Hiệp hội Dữ liệu quốc gia có sự tham dự của Thiếu tá Đào Đức Triệu - Tổng thư ký Hiệp hội Dữ liệu quốc gia (NDA) - Bộ Công an; các cán bộ Trung tâm Dữ liệu quốc gia; các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và các đơn vị thuộc Hiệp hội Dữ liệu quốc gia.
Đặc biệt, Tọa đàm có sự tham dự của 2 chuyên gia đầu ngành với vai trò là diễn giả chính là bà Hạnh Phạm - Giám đốc Khoa học dữ liệu cho Tổ chức Người dùng cốt lõi tại Pinterest và bà Tuyết Đặng - CEO sáng lập Công ty CP MedCAT.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thiếu tá Đào Đức Triệu, Tổng thư ký Hiệp hội Dữ liệu quốc gia cho biết: Kỷ nguyên phát triển mới của công nghệ đã sản sinh ra các loại tài nguyên mới, trong đó dữ liệu là nguồn tài nguyên chiến lược của nền kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia. Bởi vậy, việc nâng cao năng lực phân tích, xử lý và quản trị dữ liệu là yêu cầu cấp thiết với mọi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, với sứ mệnh kết nối các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực dữ liệu và khoa học công nghệ đang nỗ lực xây dựng các hoạt động thiết thực nhằm lan tỏa tri thức, kết nối cộng đồng, thúc đẩy ứng dụng công nghệ dữ liệu hiện đại vào thực tiễn cuộc sống.
“Dữ liệu có nhiều giá trị thặng dư. Nếu khai thác dữ liệu tốt, có tính kết nối thì có thể mang lại giá trị lâu bền”, Thiếu tá Đào Đức Triệu nhấn mạnh và khẳng định Hiệp hội Dữ liệu quốc gia quyết tâm đóng góp tích cực xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vững mạnh trong ngành công nghiệp dữ liệu tại Việt Nam.
Tại Tọa đàm, hai chuyên gia đầu ngành là bà Hạnh Phạm - Giám đốc Khoa học dữ liệu cho Tổ chức Người dùng cốt lõi tại Pinterest (Mỹ) và bà Tuyết Đặng - CEO sáng lập MedCAT, đơn vị tiên phong về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, đã chia sẻ những kinh nghiệm về phân tích và xử lý dữ liệu từ các công ty công nghệ Mỹ, đồng thời giới thiệu về AI xử lý dữ liệu trong lĩnh vực y tế.
Bà Hạnh Phạm cho rằng, "Dữ liệu là nguồn tài nguyên số quý giá, khi mình khai thác nguồn tài nguyên này cần khai thác một cách có trách nhiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải xây dựng được hệ thống để quản lý, xác định rõ ai được sử dụng, sử dụng ở phần nào, người tác động vào dữ liệu họ làm việc có đúng với nguyên tác không, để vừa quản lý sử dụng và khai thác một cách hiệu quả. Điều quan trọng nữa là ai có dữ liệu gì, quản lý ra sao để không bị cồng kềnh, đan xen, chồng chéo".
Trong khi đó, chuyên gia Tuyết Đặng thì chia sẻ: “Tôi may mắn khi được tham gia tọa đàm, một tọa đàm đầu tiên của Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, đây cũng là cơ hội để những doanh nghiệp về dữ liệu như chúng tôi nhìn lại chiến lược phát triển của mình đang như thế nào. Qua các năm triển khai về phát triển dữ liệu, tôi nhận thấy rằng, dữ liệu là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia. Việc mà mấy năm trước đây đa số mọi người không nói nhiều”.
“Tuy nhiên việc xây dựng cơ sở dữ liệu quan trọng nhất là an toàn thông tin. Đặc biệt nữa là câu chuyện về bản quyền, nếu mình phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống không phải chủ quyền quốc gia, không ở trong biên giới quốc gia thì chúng ta đang đánh mất nguồn tài nguyên đó ra nước ngoài mà ta không thể kiểm soát được. Cuối cùng để làm được việc đó chúng ta phải làm chủ được công nghệ xử lý và khai thác dữ liệu” chuyên gia Tuyết Đặng khẳng định.
Tại Tọa đàm các đại biểu, khách mời, chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp và thành viên Hiệp hội Dữ liệu quốc gia cũng chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm trong nâng cao hiệu quả phân tích, xử lý và quản trị dữ liệu trong nền kinh tế số; đồng thời nêu một số giải pháp, kiến nghị để quản lý việc sử dụng dữ liệu an toàn, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm “Xử lý và phân tích dữ liệu – Động lực cho chuyển đổi số quốc gia” tổ chức ngày 28/5, tại Hà Nội: