Luật Công nghiệp công nghệ số – Bệ phóng cho các nền tảng dữ liệu chiến lược quốc gia

14/06/2025

Nhà nước đặt hàng doanh nghiệp phát triển các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và chuỗi khối (Blockchain).

Tạo cơ chế đặc thù ưu đãi các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và sản xuất công nghệ lõi

Ngày 14/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã tham gia biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số. Việc Quốc hội chính thức thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số là bước ngoặt pháp lý quan trọng, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, chip bán dẫn và tài sản mã hóa – những lĩnh vực Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia đang tiên phong nghiên cứu và triển khai.

Luật không chỉ xác lập khung ưu đãi đặc biệt cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và sản xuất công nghệ lõi, mà còn khuyến khích mạnh mẽ việc xây dựng hạ tầng số dùng chung, đào tạo nhân lực công nghệ số và kiểm soát rủi ro AI – những trụ cột đã và đang được hiện thực hóa qua các sản phẩm như NDA Chain và NDA DID do Hiệp hội chủ trì công tác triển khai.

Với nhiều điểm mới trong Luật, kỳ vọng bứt phá trong kỷ nguyên số như Nhà nước đặt hàng doanh nghiệp phát triển các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và chuỗi khối (Blockchain), đảm bảo định hướng rõ ràng và nguồn lực dồi dào. Ngân sách nhà nước ưu tiên phân bổ cho hạ tầng R&D, giúp doanh nghiệp và viện nghiên cứu có đủ điều kiện phát triển các công nghệ lõi, công nghệ số chiến lược, từ đó nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ số toàn cầu…

Luật Công nghiệp công nghệ số tập trung nâng cao tỷ trọng sản phẩm công nghệ nội địa trong ngành thông qua các giải pháp chiến lược và chính sách hỗ trợ cụ thể. 

Các sản phẩm công nghệ số nội địa được ưu tiên sử dụng trong các dự án ngân sách nhà nước, đảm bảo thị trường đầu ra ổn định và bền vững. Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) được hưởng ưu đãi tối đa, bao gồm miễn giảm thuế và hỗ trợ tài chính, nhằm thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, giúp sản phẩm Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Khẳng định chiến lược bài bản của Hiệp hội Dữ liệu quốc gia trong việc hiện thực hoá Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị

Luật Công nghiệp công nghệ số không chỉ là một đạo luật chuyên ngành, mà còn được kỳ vọng là đòn bẩy thể chế cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là thời điểm vàng để Việt Nam xây dựng được nền tảng pháp lý chủ động, mở đường cho doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển vững chắc, hội nhập sâu rộng và góp phần tạo dựng vị thế mới của Việt Nam trong kỷ nguyên số.

Luật đã kịp thời thể chế hóa được nhiều nội dung quan trọng trong các Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, như: Thúc đẩy, ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài công nghệ số; phát triển hạ tầng công nghệ số thiết yếu, dùng chung; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế đặt hàng và xây dựng khung pháp lý về thử nghiệm có kiểm soát...

Với vai trò tiên phong trong việc, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia có nhiệm vụ quan trọng trong việc kết nối, hình thành hệ sinh thái dữ liệu năng động, minh bạch và bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển kinh tế số.

Việc lấy Nghị quyết số 57 làm kim chỉ nam và với chiến lược bài bản, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia không chỉ thực hiện tốt việc góp ý và tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, quản lý dữ liệu mà còn trực tiếp tạo ra nhiều sản phẩm số, sản phẩm dịch vụ thặng dư dữ liệu có tính ứng dụng cao, phù hợp với yêu cầu cấp thiết hiện tại và định hình được sự phát triển trong tương lai. 

Với Luật Công nghiệp công nghệ số, vai trò của Hiệp hội Dữ liệu quốc gia càng được củng cố như một lực đẩy chính sách, góp phần kiến tạo hệ sinh thái dữ liệu mở, an toàn và chủ quyền số, đồng hành cùng mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ số của khu vực.