Được “khai sinh” đúng thời điểm Luật Dữ liệu chính thức có hiệu lực (1/7/2025), Quỹ không chỉ là công cụ tài chính mà còn là “bệ phóng” chiến lược, kiến tạo hệ sinh thái dữ liệu quốc gia hiện đại, hiệu quả và hội nhập, phản ánh xu hướng quốc tế và khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc đưa dữ liệu trở thành tài nguyên trọng yếu, góp phần xây dựng nền kinh tế số và bảo đảm chủ quyền số vững chắc.
Kinh nghiệm từ quốc tế
Thành lập năm 2016, Ignite National Technology Fund trực thuộc Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Pakistan, hoạt động dưới hình thức phi lợi nhuận nhưng có tư cách pháp nhân, vốn điều lệ riêng và tài khoản độc lập. Quỹ cung cấp các khoản tài trợ cho các startup và dự án đổi mới, vận hành các trung tâm khởi nghiệp cũng như tài trợ các chương trình đào tạo kỹ năng số, hỗ trợ nghiên cứu công nghệ và truyền thông chính sách đến cộng đồng.
.jpg)
Giao diện Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia.
Hoạt động của Ignite được điều chỉnh bởi quy chế rõ ràng, minh bạch, với ban lãnh đạo, giám sát và cơ chế báo cáo chặt chẽ. Sự vận hành chuyên nghiệp này giúp đảm bảo nguồn lực dành cho phát triển dữ liệu và công nghệ tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả.
Kinh nghiệm từ Pakistan cho thấy rằng, nếu được thiết kế theo hướng nhà nước quản lý nhưng vận hành tự chủ, minh bạch và hướng tới hỗ trợ thực chất cho sáng tạo, thì quỹ phát triển dữ liệu có thể tạo ra sức mạnh thay đổi bền vững. Đây là minh chứng rõ rệt cho thấy mô hình tương tự mà Việt Nam đang triển khai có tiềm năng lớn, mang lại hiệu quả nếu áp dụng đúng cách.
Vượt lên xu thế
Từ những bài học thành công này, Việt Nam đã chính thức bắt tay vào xây dựng Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia – một bước đi mang tính chiến lược trong kỷ nguyên số. Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì lợi nhuận, do Bộ trưởng Bộ Công an thành lập và trực tiếp quản lý. Đây là mô hình tương tự công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tư cách pháp nhân, vốn điều lệ riêng, tài khoản độc lập và được vận hành theo quy định rõ ràng, minh bạch.
Điểm đáng chú ý là Quỹ này được ra đời trong thời điểm mang tính bản lề – ngày 1/7/2025, khi Luật Dữ liệu chính thức có hiệu lực. Sự kiện này đánh dấu một cánh cửa pháp lý lớn mở ra cho toàn bộ hệ sinh thái dữ liệu Việt Nam, từ cơ sở đến trung ương, từ khu vực công đến khu vực tư. Luật Dữ liệu không chỉ xác lập địa vị pháp lý của dữ liệu như một tài sản, mà còn mở đường cho việc giao dịch, chia sẻ, bảo vệ, và đặc biệt – đầu tư vào dữ liệu một cách bài bản.
Chính vì vậy, sự ra đời của Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia không chỉ là hệ quả tất yếu của xu hướng thế giới, mà còn là sự lựa chọn mang tính kiến tạo của Việt Nam. Quỹ có mục tiêu phục vụ cho việc phát triển, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây, Internet vạn vật… trong xử lý dữ liệu, quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh dữ liệu.
Bên cạnh đó, Quỹ còn đóng vai trò hỗ trợ khen thưởng tổ chức, cá nhân có đóng góp cho việc xây dựng, bảo vệ và quản trị dữ liệu; hỗ trợ cung cấp dịch vụ nhằm xử lý sự cố an toàn thông tin; tài trợ cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dữ liệu; tạo điều kiện kết nối quốc tế để học hỏi, hợp tác và chuyển giao công nghệ.
Về mặt tài chính, Quỹ được Nhà nước cấp vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng và được bổ sung hằng năm. Ngoài ra, Quỹ còn có thể tiếp nhận tài trợ, viện trợ, đóng góp không hoàn lại từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Các hoạt động cho vay, đầu tư, hỗ trợ đều tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, không trùng lặp với các hình thức hỗ trợ khác từ nhà nước.
Như vậy, Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia không chỉ là nơi tập trung tài chính cho các hoạt động dữ liệu, mà còn là một hệ thống “bệ đỡ” cho sự phát triển dài hạn và bền vững của hệ sinh thái dữ liệu quốc gia. Việc có hành lang pháp lý rõ ràng từ Luật Dữ liệu, cùng cơ chế hoạt động linh hoạt và mạng lưới hỗ trợ toàn diện sẽ giúp Việt Nam từng bước tiệm cận các chuẩn mực quốc tế trong quản lý và khai thác dữ liệu.
Việt Nam đã không còn đứng bên lề trong cuộc cách mạng dữ liệu toàn cầu. Với Luật Dữ liệu làm nền tảng pháp lý và Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia là công cụ thực thi chiến lược, đất nước đang tiến vào một giai đoạn mới – nơi dữ liệu không chỉ là “tài nguyên mới” mà còn là “động lực phát triển mới”, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và phục vụ hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc gia.