RABBI – Trợ lý ảo quốc gia: Chìa khoá thúc đẩy cải cách hành chính và chuyển đổi số

17/06/2025

Trong bối cảnh tinh gọn bộ máy hành chính đặt ra nhiều thách thức về nhân lực và hiệu quả phục vụ người dân, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia đã tiên phong triển khai RABBI – Trợ lý ảo Quốc gia, như một lời đáp mang tính công nghệ cho bài toán cải cách hành chính. Với vai trò hạt nhân trong chuyển đổi số, Hiệp hội không chỉ bắt nhịp nhanh với các chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ mà còn trực tiếp biến dữ liệu và trí tuệ nhân tạo thành công cụ phục vụ người dân, góp phần định hình một nền hành chính thông minh, hiệu quả và nhân văn.

Thách thức nhân lực

Chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là bước đi chiến lược nhằm tối ưu hóa bộ máy nhà nước và sử dụng hiệu quả nguồn lực công. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, quá trình tinh gọn đang khiến nhiều địa phương đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự, trong khi khối lượng công việc không giảm, thậm chí còn tăng do diện quản lý mở rộng. Người dân ở các vùng sáp nhập phản ánh khó tiếp cận dịch vụ hành chính công; cán bộ một cửa quá tải; trong khi hệ thống công nghệ thông tin ở nhiều nơi chưa đủ mạnh để tự động hóa quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin.

Trước thực trạng đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải có một công cụ hỗ trợ thông minh, hoạt động liên tục 24/7, dễ tiếp cận cho mọi người dân, giúp giảm tải cho bộ máy hành chính, đồng thời bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong phục vụ. Công cụ ấy cần có khả năng trả lời thắc mắc đa lĩnh vực, không phụ thuộc thời gian, có thể tự động hóa và mở rộng linh hoạt theo từng địa phương, từng lĩnh vực chuyên môn. Đây chính là những điều kiện tiên quyết đặt ra cho việc phát triển và triển khai trợ lý ảo quốc gia.

Chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia ngày 22/3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh vai trò trọng yếu của dữ liệu trong kỷ nguyên số. Dữ liệu không chỉ là tài nguyên chiến lược, mà còn là “máu” của nền kinh tế số hiện đại. Trong 7 nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư giao cho Hiệp hội, nhiệm vụ thứ ba được xem là “trục chỉ đạo xuyên suốt”, yêu cầu Hiệp hội phải chủ động, tích cực ứng dụng, làm chủ và tiến tới tự chủ các công nghệ dữ liệu cốt lõi, trong đó bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain) và điện toán đám mây. Không làm chủ công nghệ, dữ liệu chỉ là tài nguyên bị đóng băng. Muốn kích hoạt giá trị dữ liệu, phải có công nghệ để vận hành, phân tích và biến dữ liệu thành hành động phục vụ con người.

Không lâu sau đó, ngày 12/6/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định số 1131/QĐ-TTg, công bố Danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược. Trong số 32 nhóm sản phẩm công nghệ được xác định là trọng điểm quốc gia, công nghệ trợ lý ảo được xếp vào nhóm trí tuệ nhân tạo chiến lược, cùng với mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, bản sao số (Digital Twin), trí tuệ nhân tạo chuyên ngành và vũ trụ ảo (Metaverse). Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy trợ lý ảo không còn là xu hướng, mà đã trở thành định hướng chiến lược ở cấp nhà nước.

RABBI: Ứng dụng trí tuệ Việt, phục vụ mọi người dân

Trước đó, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia đã có Thông báo số 22 ngày 6/6/2025 về việc triển khai 4 công nghệ chiến lược. Trong đó, RABBI –  Trợ lý ảo quốc gia là một trong những sản phẩm chủ lực, phục vụ mục tiêu nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, minh bạch hóa thông tin và cung cấp dịch vụ công thông minh đến người dân trên toàn quốc.

RABBI là trợ lý ảo được phát triển bởi các chuyên gia của Hiệp hội Dữ liệu quốc gia. Đây là hệ thống trợ lý ảo thông minh, tích hợp ngôn ngữ tự nhiên, có khả năng hiểu ngữ cảnh, tiếp nhận và phản hồi các câu hỏi đa lĩnh vực của người dân như tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công, chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân, giáo dục, y tế, du lịch, kinh tế số. Không chỉ đơn thuần là chatbot, RABBI hoạt động như một trợ lý hành chính số, tương tác với người dân bằng tiếng Việt một cách linh hoạt, dễ hiểu và có chiều sâu.

Điểm nổi bật của RABBI là khả năng hoạt động theo mô hình “trợ lý ảo một cửa”, sử dụng chung hạ tầng, giao diện và phương pháp học máy. Các bộ, ngành, địa phương có thể xây dựng kho tri thức chuyên ngành riêng và tích hợp vào dữ liệu chung. Điều này cho phép mỗi đơn vị có đặc thù khác nhau nhưng vẫn đảm bảo người dân chỉ cần một điểm truy cập duy nhất. Dù hỏi ở đâu, RABBI vẫn có thể dẫn dắt đúng nội dung, đúng thông tin, đúng lĩnh vực chuyên môn, điều này giúp tiết kiệm thời gian cho người hỏi, giảm tải áp lực cho người trả lời.