Khai mở tiềm lực khoa học, công nghệ phục vụ phát triển đất nước

Với yêu cầu cấp bách về tăng trưởng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là trụ cột trung tâm đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã tạo bước đột phá trong đầu tư phát triển hạ tầng chuyển đổi số. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã tạo bước đột phá trong đầu tư phát triển hạ tầng chuyển đổi số. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, với những yêu cầu cấp bách về tăng trưởng bền vững, chuyển đổi mô hình phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là trụ cột trung tâm đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được đánh giá là bước đột phá về tư duy và hành động, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc khai mở và phát huy tối đa tiềm lực khoa học, công nghệ phục vụ phát triển đất nước.

Chia sẻ về tinh thần và một số nội dung cốt lõi của Nghị quyết 57, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng Nghị quyết 57 thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước, có sự kế thừa, cụ thể hóa và thể hiện quyết tâm chính trị cao hơn các chính sách trước đó trong Hiến pháp 2013, các văn kiện của Đảng và hệ thống pháp luật hiện hành đối với việc triển khai các định hướng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đột phá thể chế, tháo gỡ rào cản phát triển

Theo Phó Giáo sư Lê Bộ Lĩnh, thể chế phát triển khoa học công nghệ hiện nay còn nhiều rào cản, từ cơ chế đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ, cơ chế đầu tư, triển khai đề tài, dự án cho đến thương mại hóa kết quả nghiên cứu, bảo hộ sở hữu trí tuệ và liên kết giữa khoa học công nghệ với các ngành kinh tế, kỹ thuật...

Nhìn một cách tổng thể, thể chế cho khoa học công nghệ còn mang nặng tính hành chính bao cấp, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Vì vậy, cần đổi mới việc tạo lập môi trường pháp lý thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Trước khi nghĩ đến việc ban hành luật mới, cần rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành để loại bỏ các quy định đang cản trở phát triển; có những rào cản không đến từ năng lực thực hiện mà từ chính cơ chế, chính sách và cơ chế tổ chức vận hành.

Một điểm quan trọng khác được Phó Giáo sư Lê Bộ Lĩnh đề cập là việc bảo vệ quyền tự do sáng tạo của nhà khoa học.

Theo Phó Giáo sư Lê Bộ Lĩnh, công nghệ không thể phát triển trong môi trường mang nặng tính hành chính, thiếu sự khuyến khích.

"Hiến pháp 2013 đã quy định công dân có quyền tự do sáng tạo, quyền nghiên cứu khoa học công nghệ và được thụ hưởng kết quả hoạt động sáng tạo, nhưng thực tế cho thấy chúng ta chưa có đủ cơ chế bảo vệ và khuyến khích quyền này. Muốn đổi mới sáng tạo phát triển, phải tạo môi trường tự do, bình đẳng, nơi các nhà khoa học có thể chủ động đề xuất ý tưởng, triển khai nghiên cứu, gắn nghiên cứu với nhu cầu thực tiễn của thị trường và xã hội," Phó Giáo sư Lê Bộ Lĩnh nói.

Tăng đầu tư và gắn kết nghiên cứu với thị trường

Theo Phó Giáo sư Lê Bộ Lĩnh, bên cạnh cải cách thể chế, việc tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ cũng là vấn đề cấp bách.

Hiện nay, tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) từ ngân sách nhà nước còn rất thấp, chưa đạt mức tương xứng với vai trò của khoa học công nghệ trong tăng trưởng kinh tế.

Nghị quyết 57 đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ chi cho R&D lên 2% GDP vào năm 2030. Tuy nhiên, do quy mô GDP của Việt Nam hiện vẫn còn khiêm tốn, nên con số tuyệt đối cho đầu tư R&D còn khá thấp.

Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN

Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Lê Bộ Lĩnh cho rằng cần có cơ chế hiệu quả để thúc đẩy doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, mạnh dạn đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là những lĩnh vực mới, các công nghệ chiến lược; cần tính đến các chính sách miễn hoặc giảm hoàn toàn thuế cho các khoản đầu tư này ở một số lĩnh vực trọng điểm, cần ưu tiên những lĩnh vực mới nhằm khuyến khích khu vực doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo.

Phó Giáo sư Lê Bộ Lĩnh cũng khuyến nghị Nhà nước cần phát triển các cơ chế tài chính chuyên biệt như quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc các quỹ phát triển khoa học công nghệ có tính chất chuyên sâu để bảo đảm tính liên tục và bền vững của dòng vốn cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

"Đầu tư cho khoa học không thể dựa vào từng đề tài rải rác, manh mún, mà cần có chiến lược tổng thể, các trung tâm nghiên cứu trọng điểm, các quỹ đầu tư có tầm nhìn dài hạn. Ngoài ra, việc liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu, viện, trường với doanh nghiệp và các ngành sản xuất. Liên kết viện, trường, doanh nghiệp không chỉ giúp gắn kết nghiên cứu với nhu cầu thực tiễn mà còn tạo điều kiện để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đây là khâu yếu nhất hiện nay trong chuỗi giá trị khoa học công nghệ ở Việt Nam," Phó Giáo sư Lê Bộ Lĩnh cho hay.

Từ kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng các chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Phó Giáo sư Lê Bộ Lĩnh cũng cho rằng Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị cùng với Nghị quyết số 193/2024/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đã tạo ra những khởi động mới mang tính đột phá về định hướng, quan điểm, cơ chế thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải chuyển các định hướng đó thành các chính sách cụ thể, có tính khả thi, có sự phối hợp liên ngành trong quá trình triển khai thực hiện.

"Khoa học công nghệ sẽ không thể phát triển nếu tiếp tục bị hành chính hoá, bao cấp hoặc xem như là một hoạt động sự nghiệp thuộc bộ máy hành chính. Đây là lĩnh vực kinh tế đặc biệt, cốt lõi của nền kinh tế số, nơi kết hợp giữa tri thức, đổi mới sáng tạo và thị trường; phải hành động bằng tinh thần cải cách mạnh mẽ, tư duy hiện đại và cách làm hiệu quả. Chỉ khi áp dụng nguyên tắc thị trường một cách thực chất, mới có thể gia tăng tính cạnh tranh, tạo động lực đổi mới sáng tạo, rút ngắn quá trình từ nghiên cứu, phát minh, sáng chế đến thương mại hóa sản phẩm, đồng thời gắn chặt hoạt động khoa học công nghệ với nhu cầu thực tiễn,” Phó Giáo sư Lê Bộ Lĩnh nhấn mạnh.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm

8 sản phẩm dữ liệu tiên phong triển khai thực hiện Nghị quyết 57

8 sản phẩm dữ liệu tiên phong triển khai thực hiện Nghị quyết 57

Chiều 11/4/2025, Trung tâm Dữ liệu quốc gia (Bộ Công an) và Hiệp hội Dữ liệu quốc gia đã có buổi làm việc về tự chủ công nghệ lõi phục vụ Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tại buổi làm việc, 8 sản phẩm dữ liệu cốt lõi được giới thiệu, trao đổi.

Cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

TS Trần Văn – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số.

Tạo cơ chế để "kỳ lân" công nghệ Việt phát triển đột phá

Thị trường vốn là “chìa khóa” để doanh nghiệp (DN) công nghệ phát triển đột phá. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy có không ít kỳ lân và “startup” tiềm năng của Việt Nam đang phải “xuất ngoại” để tìm nguồn lực phát triển. Trong bối cảnh đó, việc mở khóa thị trường vốn thông qua cải cách thể chế, xây dựng chính sách đặc thù cho DN công nghệ là điều kiện cấp thiết.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là Trưởng Ban Chỉ đạo. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.

Thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đã ký ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Bộ Khoa học và Công nghệ (Ban Chỉ đạo).