Cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW

Sáng 25/3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan kết luận nội dung thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan kết luận nội dung thảo luận.

Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, Nghị quyết số 57-NQ/TW yêu cầu đổi mới tư duy quản lý, tránh tư duy "không quản được thì cấm", mở đường cho công nghệ mới qua cơ chế thí điểm có kiểm soát.

Theo đại biểu, dự thảo Luật đã có bước tiến với quy định cơ chế thử nghiệm nhưng phạm vi thử nghiệm còn quá hẹp. Đại biểu kiến nghị mở rộng phạm vi cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho mọi sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới chưa được pháp luật điều chỉnh; đơn giản hóa thủ tục phê duyệt thử nghiệm; lược bỏ các quy định cấm, điều kiện không thực sự cần thiết. Đồng thời, cần trao quyền cho Chính phủ tạm thời cho phép thí điểm những công nghệ, mô hình mới chưa có luật điều chỉnh (báo cáo Quốc hội sau) nhằm kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề nghị bổ sung chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số nhằm bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân. Đại biểu Nghĩa nhấn mạnh, đây là một trong những 5 quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cũng đề nghị, Điều 46 về nguyên tắc phát triển công nghiệp bán dẫn, bên cạnh 4 nguyên tắc đã được quy định, cần bổ sung thêm 2 nguyên tắc về đảm bảo an ninh và chủ quyền công nghệ; phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Theo đó, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, cần đặc biệt chú trọng phát triển các công nghệ bán dẫn then chốt, có khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, an ninh và các ngành công nghiệp trọng điểm. Cùng với đó, cần khuyến khích các công ty bán dẫn áp dụng công nghệ xanh và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh những ý kiến góp ý vào các chính sách trong dự thảo Luật, nhiều ý kiến cũng góp ý vào các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật như về tài sản số, cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghiệp công nghệ số, thông tin về công nghiệp công nghệ số, dữ liệu số trong công nghiệp công nghệ số, vi mạch bán dẫn khu công nghệ số tập trung…

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho biết, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án luật; sự phối hợp giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Các đại biểu Quốc hội đã cơ bản thống nhất với nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý do cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chuẩn bị phục vụ hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đồng thời tham gia nhiều ý kiến vào các chính sách, các điều khoản cụ thể vào dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Theo Báo Chính phủ

Có thể bạn quan tâm

8 sản phẩm dữ liệu tiên phong triển khai thực hiện Nghị quyết 57

8 sản phẩm dữ liệu tiên phong triển khai thực hiện Nghị quyết 57

Chiều 11/4/2025, Trung tâm Dữ liệu quốc gia (Bộ Công an) và Hiệp hội Dữ liệu quốc gia đã có buổi làm việc về tự chủ công nghệ lõi phục vụ Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tại buổi làm việc, 8 sản phẩm dữ liệu cốt lõi được giới thiệu, trao đổi.

Cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

TS Trần Văn – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số.

Tạo cơ chế để "kỳ lân" công nghệ Việt phát triển đột phá

Thị trường vốn là “chìa khóa” để doanh nghiệp (DN) công nghệ phát triển đột phá. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy có không ít kỳ lân và “startup” tiềm năng của Việt Nam đang phải “xuất ngoại” để tìm nguồn lực phát triển. Trong bối cảnh đó, việc mở khóa thị trường vốn thông qua cải cách thể chế, xây dựng chính sách đặc thù cho DN công nghệ là điều kiện cấp thiết.