Sáng 15/2, Quốc hội thảo luận ở tổ dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại họp tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ đây là nghị quyết rất quan trọng, rất gấp.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, để Nghị quyết này đi vào cuộc sống sẽ còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc sửa Luật Khoa học và Công nghệ nhanh nhất là cuối năm 2025. Như vậy, cả năm 2025 không thể triển khai được Nghị quyết số 57 hoặc có triển khai thì sẽ gặp hàng loạt những khó khăn.
Vì vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị phải có văn bản khẩn trương đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được đặt ra.
Phạm vi của Nghị quyết số 57 lớn và cũng nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện.
“Đây là bài học về điểm nghẽn của thể chế. Không gỡ được thể chế thì Luật không đi vào cuộc sống. Các Luật đang có hiệu lực không thể thay thế được, vì vậy Quốc hội mới có kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề không bình thường" - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng cho rằng, cần khẩn trương đưa những vấn đề rà soát là bước đầu. Một số vấn đề đang được tháo gỡ, trong phạm vi dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra 3 nhóm tập trung và có định hướng. Nếu đi vào những vấn đề quá chi tiết sẽ không thể quy định được hết và dẫn đến không ra được Nghị quyết và sẽ thất bại.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, cách làm này cũng thể hiện tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”.
"Chờ xếp hàng xong, đội ngũ chỉnh tề, hô rồi cùng chạy thì muộn rồi, họ đã đi rất xa rồi" - Tổng Bí thư nêu quan điểm và đặt vấn đề, những vấn đề khoa học và công nghệ ai cũng thấy được giá trị nhưng chưa phát triển được bởi còn nhiều khó khăn. Nếu nói sửa Luật Khoa học và công nghệ sẽ chưa đủ để khoa học công nghệ phát triển. Trong khi đó, Luật Đấu thầu cũng đang là vướng mắc.
Trong đó, theo luật chỉ có mua đồ rẻ, không thích mua đồ đắt tiền, tìm thị trường mua đồ rẻ nhất. Nhưng như thế chúng ta sẽ thành bãi rác của khoa học công nghệ. Thậm chí người ta cho mình khoa học công nghệ lạc hậu.
"Mình đi sau, chưa vướng đầu tư, chưa phải lo thu hồi vốn nên khoa học công nghệ đi sau phải biết đi tắt, đón đầu.
Thế giới phát triển rồi, mình lại không biết người ta đi đến đâu đi theo, lúc nào cũng đi sau.
Đầu tư người ta đưa sang các công nghệ mình chưa có, mình coi là tiên tiến nhưng so với thế giới, phát triển chung lạc hậu rồi. Tuy nhiên, luật quy định đấu thầu chỉ quan tâm vào tiền nong, giá rẻ, sẽ vấp phải, mắc vào bẫy người ta..." - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Ngoài ra, những khó khăn trong việc triển khai hoạt động khoa học công nghệ còn liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, thể chế vẫn là điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, luật cần phải đáp ứng yêu cầu thực tế, có trật tự và tất cả mọi người đều theo. Mục tiêu của luật là khuyến khích, mong muốn nghiên cứu khoa học công nghệ… Muốn làm như vậy cần có đầu tư và thời gian.
Tổng Bí thư nhấn mạnh thêm mục tiêu khuyến khích, chứ không phải tháo gỡ và mong muốn phải có thời gian, đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ.
"Khoa học là "miền đất hoang vu" nhưng nếu ai đi đúng sẽ thắng lợi. Vì vậy cần xác định được những ưu tiên trước nhất. Đây là một số chính sách, vấn đề, quan điểm đã được đề cập đến Nghị quyết 57", Tổng Bí thư nói và cho rằng, trước mắt, ít nhất trong quá trình tiếp tục sửa Luật Khoa học và Công nghệ cần tập trung những vấn đề cơ bản trên tinh thần tiến bộ, đồng bộ, sát với thực tiễn.
"Để đi được đến kết quả phải đổi mới tư duy, cách làm nhìn thẳng vào vấn đề thực tế để có cách tháo gỡ, chúng ta cũng không ngại gì việc đó cả. Như vậy chúng ta sẽ thành công..." - Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.
Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.